Thứ Tư, 15 tháng 2, 2017

LÀM THẾ NÀO ĐỂ NHẬN ĐƯỢC VIỆC LÀM PHÙ HỢP MÀ KHÔNG PHẢI ĐI TÌM KIẾM

Bạn thấy đó, thật dễ dàng phải không? Và việc làm sẽ tự tìm đến với bạn!

Bạn muốn có một công cụ hữu ích giúp bạn nhận được việc làm phù hợp mà không phải đi tìm? Bạn chỉ cần tạo cho mình Thông Báo Việc Làm và điều đó thật dễ dàng!
Thông Báo Việc Làm là gì?
Đây là công cụ gửi đến hộp mail của bạn những việc làm phù hợp với tiêu chí tìm kiếm của bạn nhất. Với công cụ này, việc làm phù hợp sẽ tự tìm đến với bạn mỗi ngày, mỗi tuần, hai tuần một lần hay hàng tháng. Tất cả là do bạn quyết định.
Làm thế nào để tạo Thông Báo Việc Làm?
Bước 1:Trong mục “Thông Báo Việc Làm và Kết Quả Tìm Kiếm Đã Lưu” của trang Quản Lý Nghề Nghiệp, nhấp vào nút “Tạo mới”
Bước 2:Khi cửa sổ (window) mới hiện ra, nhập tiêu chí tìm việc của bạn. Cuối cùng, nhấp nút “Lưu”.
Bạn thấy đó, thật dễ dàng phải không? Và việc làm sẽ tự tìm đến với bạn!
Lưu ý: Nếu bạn muốn tạm ngưng nhận Thông Báo Việc Làm một thời gian, chỉ cần chọn “Tôi chỉ muốn lưu kết quả tìm kiếm”.

BÍ QUYẾT THƯƠNG LƯỢNG ĐƯỢC MỨC LƯƠNG CAO

Người Việt Nam rất chính xác khi dùng cụm từ “lương bổng”. Nghĩa là ngoài “lương” (salary), bạn còn được hưởng “bổng” (benefit). Bổng là các lợi ích khác ngoài lương chính thức mà bạn được hưởng từ công ty và không phải chịu thuế. Vì vậy khi thương lượng lương, bạn nên lưu ý các ”bổng” khác ngoài lương như lương tháng 13, tiền thưởng (bonus) hàng năm, chi phí giải trí, chi phí khám bệnh, cơ hội đào tạo, được chia cổ phần của công ty… Nếu bạn được tuyển vào công ty, hãy yêu cầu nhà tuyển dụng nêu rõ và cụ thể những nội dung này trong thư mời làm việc (offer letter).


Khi người phỏng vấn đặt câu hỏi về lương bổng, bạn nên trả lời ra sao? Đừng vội vã nói ngay mức lương mà bạn mong muốn. Hãy khéo léo “hoãn” lại giây phút quan trọng này cho các buổi phỏng vấn sau. Chỉ cần nắm vững một số “bí kíp” và thêm một chút khéo léo, bạn sẽ dễ dàng thương lượng được mức lương mơ ước.
1. Có nên trả lời câu hỏi về lương bổng ngay ở vòng đầu cuộc phỏng vấn?
Bạn không nên, đặc biệt nếu đó là các vòng phỏng vấn đầu tiên và bạn chưa chắc mình được nhà tuyển dụng “chấm”. Nếu người phỏng vấn hỏi bạn “Anh/Chị đề nghị mức lương bao nhiêu?”, bạn có thể trả lời một cách “vô thưởng vô phạt” như: “Qua vòng đầu phỏng vấn này, tôi nghĩ mình cần hiểu rõ hơn về các yêu cầu cụ thể của công việc. Tôi xin phép được đề cập đến mức lương trong các buổi phỏng vấn sau.”
2. Đâu là mức lương thỏa đáng?
Nhiều ứng viên cho rằng họ xứng đáng được hưởng mức lương cao hơn thu nhập hiện tại vì cho rằng kinh nghiệm và trình độ của họ đã được nâng cao, vì họ sẽ phải gánh vác nhiều trách nhiệm hơn, vì tình hình vật giá ngày một leo thang... Tuy nhiên, nhà tuyển dụng thường xét lương cho ứng viên dựa theo mức lương hiện tại và trách nhiệm mới mà ứng viên sẽ đảm nhận sau này. Vì vậy bạn cần đánh giá khách quan năng lực của mình để đưa ra mức lương phù hợp.
3. Khả năng thực sự là nhân tố quyết định mức lương của bạn
Để có mức lương mong muốn, bạn cần chứng minh được giá trị và khả năng làm việc thực sự của mình. Bạn nên tránh đề cập đến mức lương cũ nếu nhà tuyển dụng không hỏi đến. Nhưng nếu nhà tuyển dụng muốn biết mức lương hiện tại, bạn hãy cho họ biết và trình bày sự khác biệt giữa công việc cũ và công việc ứng tuyển, nhấn mạnh những nhiệm vụ mới mà bạn sẽ đảm trách.
Đừng bao giờ giải thích vì sao bạn muốn lương cao hơn mức hiện tại bằng những lý do trẻ con như “Công ty tôi trước đây ở Bình Dương, chi phí sinh hoạt khá thấp. Nay Quý công ty tọa lạc ở khu vực trung tâm nên chi phí sẽ đắt đỏ hơn…”
4. Trực tiếp hỏi về mặt bằng lương trong công ty
Xin chúc mừng, bạn đã vào được vòng phỏng vấn cuối cùng và giây phút quan trọng đã đến rồi đây. Nhà tuyển dụng sẽ hỏi bạn “Anh/Chị đề nghị mức lương bao nhiêu?” Bạn sẽ trả lời câu hỏi này như thế nào?
Bạn có thể hỏi ngược lại nhà tuyển dụng “Ông/Bà có thể cho biết mức lương tương ứng dành cho vị trí tương đương?” hoặc “Ông/Bà có thể cho biết ngân sách của công ty dành cho vị trí này?” Câu trả lời của nhà tuyển dụng sẽ giúp bạn định được mức lương phù hợp.
5. Khéo léo trao đổi về lương bổng
Bạn nên tránh những câu trả lời như “Đối với tôi, lương bổng không phải là vấn đề quan trọng nhất, tôi mong muốn được học hỏi và rèn luyện trong một môi trường năng động, sáng tạo và chuyên nghiệp như Quý công ty…” Đây quả là câu trả lời làm “mát lòng mát dạ” nhà tuyển dụng. Nhưng cẩn thận đấy, nhà tuyển dụng có thể sẽ nghĩ rằng bạn thiếu kinh nghiệm, nên có cơ hội gì đến là nhận ngay mà không cần cân nhắc mức lương. Khi đó bạn sẽ mất cơ hội thương lượng được mức lương mong muốn.
6. Cân nhắc vấn đề “lương + bổng”
Người Việt Nam rất chính xác khi dùng cụm từ “lương bổng”. Nghĩa là ngoài “lương” (salary), bạn còn được hưởng “bổng” (benefit). Bổng là các lợi ích khác ngoài lương chính thức mà bạn được hưởng từ công ty và không phải chịu thuế. Vì vậy khi thương lượng lương, bạn nên lưu ý các ”bổng” khác ngoài lương như lương tháng 13, tiền thưởng (bonus) hàng năm, chi phí giải trí, chi phí khám bệnh, cơ hội đào tạo, được chia cổ phần của công ty… Nếu bạn được tuyển vào công ty, hãy yêu cầu nhà tuyển dụng nêu rõ và cụ thể những nội dung này trong thư mời làm việc (offer letter).
Ngoài ra, hãy nhớ rằng lương ròng (net salary) sẽ là mức lương sau khi trừ đi tất cả các khoản khác như thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn…
7. Làm gì khi bạn rất thích công việc nhưng mức lương không như mong đợi?
Trong trường hợp bạn rất thích công việc và được nhà tuyển dụng mời làm việc, nhưng mức lương không như bạn mong đợi, đừng vội từ chối ngay mà hãy trả lời rằng bạn cần suy nghĩ thêm. Điều đó cho thấy bạn rất quan tâm đến công việc. Vài ngày sau buổi phỏng vấn, bạn hãy gọi điện cho nhà tuyển dụng xem họ có quyết định nào khác về mức lương mà bạn mong muốn hay không. Khi đó, bạn có thể đưa ra quyết định cuối cùng.

TRUNG THỰC LÀ NGUYÊN TẮC XỬ SỰ DUY NHẤT KHI TÌM VIỆC


Có nhiều cách để tạo dựng nên hình ảnh của một người dễ mến, tự tin, vui vẻ và có khả năng mà một nhà tuyển dụng thường tìm kiếm. Trong khi phỏng vấn, thay vì nói chung chung bạn tuyệt vời và có khả năng như thế nào thì hãy đưa ra những ví dụ cụ thể về những đóng góp bạn có thể mang lại cho công ty. Bạn không cần phải nói dối hay nói quá sự thật. Thể hiện tốt trong công việc sẽ thay bạn nói tất cả.

Điều này nghe có vẻ là một sự thật hiển nhiên thế mà việc vi phạm nguyên tắc này ngày gia tăng khiến các công ty càng trở nên cảnh giác khi tuyển dụng nhân viên. Để tránh các sai sót khi tuyển dụng, các nhà tuyển dụng thường phải phỏng vấn rất nhiều ứng cử viên và sàng lọc rất kỹ.
Trong cuộc chiến săn lùng công việc, bạn có thể tự loại chính mình ra khỏi cuộc chơi nếu bạn không trung thực khi phỏng vấn hoặc viết sơ yếu lý lịch. Các chi tiết về nhiệm vụ, giáo dục, lương bổng là những cái dễ bị khai gian nhất.
Có những người hay nói quá mức lương trước đây của họ vì nghĩ rằng điều này có thể giúp họ thuận lợi hơn khi thoả thuận mức lương. Giới chuyên môn gọi đó là “hét giá”. Lương bổng thường là vấn đề mà người chủ cũ của bạn sẽ xác nhận lại; do đó nếu bạn không trung thực về thu nhập của mình thì hậu quả thật khó lường.
Có những người hay khai thêm các trách nhiệm của họ trong các vị trí công tác trước. Ví dụ, một nhà quản lý trong lĩnh vực dịch vụ tài chính đã tự nâng địa vị của ông ta trong công việc trước đây lên. Ông ta nói với nhà tuyển dụng ông ta đã từng giữ chức vụ phó giám đốc khi làm việc cho hai công ty trước. Ông ta được tuyển vào làm việc. Vài tháng sau ông được gọi vào phòng giám đốc và nhận quyết định sa thải ngay tại chỗ. Thì ra họ đã phát hiện ông nói dối. Mặc dù ông ta đã kháng nghị và nêu lên những đóng góp của ông cho công ty nhưng tất cả đã quá muộn. Nói dối khiến ông ta phải trả giá bằng công việc và còn ảnh hưởng đến cả tương lai của ông ta nữa. Ông phải bắt đầu lại từ đầu.
Một bài học cũng thật đáng tiếc khác cho một nhà quản lý trong lĩnh vực sản xuất đã từng làm việc cho công ty nọ 10 năm. Ông ta lo sợ rằng khả năng của ông bị giới hạn trong mắt của nhà tuyển dụng nên ông sửa bản lý lịch làm việc của ông lại bằng cách thêm vào tên của vài công ty. Khi nhà tuyển dụng hỏi về kinh nghiệm làm việc trước đây, ông đã bịa ra một vài công việc ông đã từng làm. Ông ta còn nêu tên một công ty rất nổi tiếng và nói rằng đã làm việc vài năm cho công ty đó. Thật trùng hợp, giám đốc công ty đó là bà con với nhà tuyển dụng này. Khi nhà tuyển dụng đặt một câu hỏi về vị giám đốc nọ, nhà quản lý đã tỏ ra rất ngạc nhiên và hỏi lại “Ai cơ?”. Ngay lập tức cuộc phỏng vấn chấm dứt ở đó.
Nếu người tìm việc tập trung vào ưu thế của ông ta thay vì nói dối, ông ta đã có thể được tuyển vào làm. Kinh nghiệm làm việc của ông được rất nhiều nhà tuyển dụng để ý bởi vì ông đã được thăng tiến vài lần và có khả năng đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau.
Nêu không đúng sự thật một điều gì đó, dù là nói hay viết, thì chỉ sẽ phản tác dụng mà thôi, bởi chỉ cần nhà tuyển dụng phát hiện ra thì bạn sẽ bị loại ra khỏi tầm ngắm ngay. Nếu bạn cảm thấy trong kinh nghiệm làm việc hay quá trình học tập của bạn có điều gì đó bất lợi khi đi xin việc thì bạn hãy tập trung làm nổi bật những ưu điểm của bản thân thay vì nói dối.
Có nhiều cách để tạo dựng nên hình ảnh của một người dễ mến, tự tin, vui vẻ và có khả năng mà một nhà tuyển dụng thường tìm kiếm. Trong khi phỏng vấn, thay vì nói chung chung bạn tuyệt vời và có khả năng như thế nào thì hãy đưa ra những ví dụ cụ thể về những đóng góp bạn có thể mang lại cho công ty. Bạn không cần phải nói dối hay nói quá sự thật. Thể hiện tốt trong công việc sẽ thay bạn nói tất cả.
Tránh đề cập đến những điều có thể gây bất lợi cho bạn. Hãy nêu lên những ví dụ thể hiện khả năng hợp tác tốt với người khác của bạn. Các nhà tuyển dụng hơn bất cứ lúc nào muốn tuyển những người có thể thích nghi tốt với công ty ngay lập tức và là những người có khả năng làm việc theo nhóm. Bằng cách nêu lên những điểm tích cực, bạn sẽ có thêm cơ hội được tuyển dụng.

ĐỪNG NÊN TRỞ THÀNH NHỮNG ỨNG VIÊN “KHÔI HÀI”

Công ty phần mềm Vsoft cho biết ”Công ty tôi tuyển lập trình viên, thế mà một số sinh viên gửi đơn xin việc đến viết như sau ‘Qua website của công ty, tôi được biết Vsoft là một công ty lớn, uy tín trên thị trường.’ Trời ạ, công ty của chúng tôi mới thành lập, bé tí và chưa kịp làm xong website. Chẳng biết bạn đó lấy thông tin ở đâu mà “lăng xê” khiếp quá…”
Nộp đơn dự tuyển là công việc quan trọng đầu tiên để lọt vào tầm ngắm của nhà tuyển dụng. Thế nhưng khá nhiều ứng viên lại rất “hời hợt” với công đoạn tối quan trọng này.
Những câu chuyện thuộc dạng “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, “bé cái nhầm” khiến bao nhà tuyển dụng phải dở khóc dở cười và lắc đầu “bó tay”.
Câu chuyện thứ 1
Một bạn trẻ tốt nghiệp ngành Đông Phương, đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn, ứng tuyển vào vị trí phiên dịch của một công ty xuất nhập khẩu với lá đơn xin việc viết bằng tiếng Nhật “Kính gửi công ty sai”. Hóa ra, bạn này đã “hồn nhiên” viết sai chính tả từ “Quý công ty” bằng tiếng Nhật, khiến cho cụm từ này biến thành “công ty sai”. Dĩ nhiên, nhà tuyển dụng chỉ còn biết lắc đầu lè lưỡi.
Các nhà tuyển dụng cho biết: viết sai lỗi chính tả, viết cẩu thả, chữ hoa, chữ thường viết tùy tiện là những lỗi sơ đẳng nhất và dễ mắc nhất trong các lá đơn xin việc, đặc biệt là những sinh viên ngành kỹ thuật và khoa học tự nhiên.

Câu chuyện thứ 2
Chị Lệ Thủy – Giám đốc nhân sự của một công ty liên doanh về thiết bị điện kể “Chuyện tưởng đùa nhưng hoàn toàn có thật đã xảy ra. Một ứng viên viết thư xin việc bằng tiếng Anh, nhưng phần trên ghi tên mình, còn phần dưới ghi tên... người khác. Có lẽ bạn này mượn một lá đơn xin việc của ai đó, sửa lại để gửi, nhưng… sửa chưa hết!
Lại có bạn làm một bộ hồ sơ rất công phu, tiếng Anh, tiếng Việt, hồ sơ tìm việc, bằng cấp đầy đủ, chỉ thiếu phần… địa chỉ liên lạc. Công ty muốn mời bạn lên phỏng vấn nhưng chẳng biết làm sao để liên lạc được…”
Chính những “hạt sạn” này sẽ đánh mất cơ hội vàng cho bạn khi nộp đơn ứng tuyển dù bạn hoàn toàn có thể là người phù hợp với công việc nhất.
Câu chuyện thứ 3Công ty phần mềm Vsoft cho biết ”Công ty tôi tuyển lập trình viên, thế mà một số sinh viên gửi đơn xin việc đến viết như sau ‘Qua website của công ty, tôi được biết Vsoft là một công ty lớn, uy tín trên thị trường.’ Trời ạ, công ty của chúng tôi mới thành lập, bé tí và chưa kịp làm xong website. Chẳng biết bạn đó lấy thông tin ở đâu mà “lăng xê” khiếp quá…”
Với những đơn xin việc như vậy, chắc chắn nhà tuyển dụng sẽ loại ngay bởi yếu tố trung thực, chân thành của ứng viên qua lá đơn này không hề có và ứng viên không thực sự nghiêm túc khi nộp đơn ứng tuyển.
Theo bà Thiên Trang – Phó giám đốc công ty NetViet – các ứng viên nên tự mình viết thư và hồ sơ tìm việc, không nên sao chép theo một khuôn mẫu có sẵn hoặc của ai đó. Thư và hồ sơ tìm việc cần phải do chính ứng viên soạn thảo để mang nét độc đáo, sáng tạo riêng không nhầm lẫn với một khuôn mẫu nào khác, và nhất là, phải thể hiện được sự phù hợp của ứng viên với vị trí ứng tuyển. Đồng thời, trong thư tìm việc (đơn xin việc), ứng viên cần nêu được điểm mạnh, điểm yếu, mục tiêu phấn đấu của mình thật rõ ràng và ngắn gọn. Riêng phần điểm yếu, ứng viên cần lưu ý: phải viết làm sao để những điểm yếu sẽ trở thành vô hại đối với bạn trước nhà tuyển dụng. 

CÁCH KHỞI ĐỘNG TRƯỚC KHI PHỎNG VẤN

Tinh thần thoải mái sẽ giúp bạn có một buổi phỏng vấn thành công. Nhưng đừng quên thể hiện sự chuyên nghiệp của bạn bằng những câu trả lời thật thông minh, sắc sảo.
Trả lời suôn sẻ những câu hỏi chuyên môn chưa đủ để bạn “ghi bàn thắng quyết định” trước nhà tuyển dụng. Hãy khởi động thật kỹ để bắt đầu buổi phỏng vấn hoàn hảo ngay từ những phút đầu tiên.
“Tút” lại vẻ bề ngoài 
Ấn tượng đầu tiên rất quan trọng. Một ứng viên mặc đồ quá luộm thuộm, với chiếc quần jean loe toe vết cắt chắc chắn sẽ khiến nhà tuyển dụng khó chịu và sẽ không nghĩ đến việc mời bạn dự phỏng vấn lần thứ hai. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn phải cứng nhắc trong bộ vest, với chiếc cà vạt truyền thống. Nghiên cứu văn hóa công ty sẽ giúp bạn chọn được trang phục phù hợp để tự tin thể hiện mình trước nhà tuyển dụng.
Chuẩn bị tinh thần
Nghiên cứu quá trình thành lập, lĩnh vực hoạt động và thành tích của công ty là điều bạn chắc chắn không thể quên trước khi đi phỏng vấn. Ngoài ra, bạn cần tìm hiểu chức danh của người phỏng vấn, vai trò của họ trong công ty để đưa ra những câu hỏi hợp lý.

Trình bày rõ ràng
Bạn cần trình bày rõ ràng, súc tích quan điểm của mình trước nhà tuyển dụng. Trong trường hợp bạn chưa hiểu rõ yêu cầu của người phỏng vấn, hãy mạnh dạn yêu cầu nhà tuyển dụng giải thích lại để đưa ra câu trả lời thông minh và chính xác nhất.
Tự tin
Tự tin không có nghĩa là kiêu ngạo. Hãy khiêm tốn nhưng tự tin nhấn mạnh những thành tích nổi bật cho thấy bạn là một ứng viên lý tưởng. Tuy nhiên, đừng bao giờ nói quá sự thật về kinh nghiệm làm việc, học vấn hay thành tích của bạn vì nhà tuyển dụng luôn biết cách phân biệt “vàng thau” đấy.
Chuyên nghiệp
Tinh thần thoải mái sẽ giúp bạn có một buổi phỏng vấn thành công. Nhưng đừng quên thể hiện sự chuyên nghiệp của bạn bằng những câu trả lời thật thông minh, sắc sảo.
Bạn có biết nhà tuyển dụng thường “bất chợt” hỏi những câu gì để ”đãi lọc” ra những ứng viên sáng giá?
- Các anh/chị được đồng nghiệp đánh giá như thế nào?
- Anh/Chị thích làm những công việc nào? Và anh/chị đã từng làm gì để thực hiện những công việc đó tốt hơn?
- Đã bao giờ anh/chị phạm một sai lầm nghiêm trọng ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc của cả nhóm? Và anh/chị đã sửa chữa sai lầm đó như thế nào?.
Những câu hỏi tưởng như vô thưởng vô phạt đó sẽ giúp bạn ”tỏa sáng” trước nhà tuyển dụng nếu bạn thể hiện được phương pháp làm việc hiệu quả và tính cách hòa đồng luôn sẵn sàng hợp tác của mình. Bạn thấy đó, ngoài trình độ chuyên môn, một chút khéo léo và thông minh sẽ giúp bạn nắm bắt những cơ hội việc làm mơ ước.

KẺ ĐÁNH CẮP THỜI GIAN

Đều đặn suốt mấy chục năm nay, mỗi buổi tối ông đều có thói quen lên chương trình làm việc chi tiết cho ngày hôm sau. Buổi sáng, trong khoảng 20 phút từ nhà đến chỗ làm là thời gian ông làm việc qua điện thoại. Và ông là người luôn giữ nguyên tắc chỉ trả lời những cuộc điện thoại nhỡ trong ngày vào khoảng thời gian ngồi trên xe.
Nhiều nhà quản lý cứ than phiền “Tôi bận quá, không có thời gian.” Thế nhưng căn bệnh “không có thời gian” chính là việc họ không biết từ chối những buổi họp vô bổ, không biết phân việc cho cấp dưới, lên kế hoạch cụ thể cho mình.
Đó chỉ là một trong những “kẻ cắp thời gian” giấu mặt mà các nhà quản lý cần nhanh chóng nhận diện và “tiêu diệt”.
Câu chuyện về một giám đốc một tổng công ty quốc doanh có tầm cỡ, trong một hội thảo bàn về vấn đề quản lý ở doanh nghiệp, ông đã giơ tay phát biểu, nhưng không phải vì ông quan tâm đến các vấn đề được trình bày mà chỉ đơn giản vì ông phải “tranh thủ đóng góp ý kiến trước để kịp giờ đi họp tại Hà Nội!”
Vị tổng giám đốc tâm sự rằng đã từ lâu mình không còn khả năng đeo đuổi những chiến lược và kế hoạch đã ấp ủ. Ngay như buổi hội thảo ngày hôm đó, dù nội dung gợi được nhiều ý hay cho một nhà quản lý, ông cũng không thể nào tham gia trọn vẹn. Lý do rất đơn giản: Ông không có thời gian.
Một năm tổng công ty ông phải tiếp 1.700 đoàn khách nước ngoài và 1.800 đoàn khách trong nước. Ông phải dự khoảng một nửa các cuộc thăm viếng đó. Điều đó cũng có nghĩa là mỗi ngày ông phải tiếp trên năm đoàn khách, chưa kể các cuộc họp ở tổng công ty hay với các nơi khác. Ngoài chức vụ tổng giám đốc, ông còn là chủ tịch hội đồng quản trị của 15 công ty trực thuộc, kiêm bí thư đảng ủy. Trong một guồng máy tổ chức như thế, ông nói rằng mình không thể chủ động được giờ giấc. Thời gian làm việc và nghỉ ngơi mỗi ngày của ông phụ thuộc hoàn toàn vào lịch họp.
Nếu phải trả lời câu hỏi: “Đâu là những việc làm lãng phí thời gian nhất của bạn nơi công sở?” chắc chắn nhiều người sẽ nhắc đến các cuộc điện thoại kéo dài, phải bận rộn hồi đáp hàng tá e-mail, trong đó có cả việc công lẫn việc tư, tán gẫu với đồng nghiệp trong phòng, tham gia những cuộc họp kéo dài hàng giờ đồng hồ nhưng chẳng mang lại hiệu quả cho công việc... Trong trường hợp của vị tổng giám đốc trên, các cuộc họp kéo dài chính là thủ phạm lấy mất thời gian làm việc của ông, và làm cho ông mệt mỏi.
Tuy vậy, danh sách “thủ phạm” vừa liệt kê ở đây vẫn chưa đủ. Nếu không biết cách giao việc cho cấp dưới và quản lý bản thân bằng một kế hoạch rõ ràng, chắc chắn nhà quản lý sẽ bị nhấn chìm trong biển công việc.
Biết cách quản lý bản thân
Làm giám đốc một công ty dịch vụ mới được hai năm mà bạn bè nào gặp lại Minh Phương cũng chê: “Làm gì mà mau già quá vậy.” Còn chị chỉ có một câu giải thích duy nhất là: “Tại bận quá.”
Quả thật, từ khi làm giám đốc, lúc nào chị cũng có cảm giác bị ngập trong công việc dù công ty chỉ mới có 25 nhân viên. Minh Phương không có phòng làm việc riêng, không gian làm việc trong công ty của chị là không gian mở, nhờ đó chị có lợi thế là có thể để mắt quán xuyến hết các nhân viên.
Thế nhưng lợi thế vừa kể này lại chính là một trong các “thủ phạm” đánh cắp thời gian làm việc của chị. Trong ngày, bất cứ lúc nào giám đốc cũng có thể bị làm gián đoạn công việc vì những câu đại loại như “chị cho em gặp vài phút”. Và thường thì những cuộc gặp như vậy kéo dài có khi đến cả hai chục phút, giám đốc sa đà vào từng sự vụ của cấp dưới thay vì chỉ cần gợi ra hướng giải quyết. Từ việc nhỏ đến việc lớn, nhân viên đều tìm giám đốc để hỏi ý kiến.
Do không biết cách giao việc và phân quyền cho cấp dưới nên dù đã làm việc ở văn phòng đến 10 tiếng/ngày, công việc vẫn theo chị về nhà và đôi khi ám ảnh cả trong giấc ngủ.
Trái với những trường hợp trên, Alain Cany - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, cho biết quan điểm sống của ông là càng làm cho mình bận rộn, càng làm được nhiều việc. Ông là mẫu người không bao giờ chấp nhận cách trả lời “tôi bận quá” để biện minh cho sự trễ nải trong công việc hay từ chối nhận thêm việc mới.
“Nếu mỗi buổi sáng thức dậy bạn nghĩ chỉ có một việc để làm thì suốt cả ngày bạn chỉ làm việc đó. Nhưng nếu làm cho mình bận rộn và nghĩ rằng mình có thể làm được, chắc chắn bạn sẽ phải tổ chức lại cách làm việc, lập thứ tự ưu tiên cho từng việc để tìm ra thời gian cho chính mình”, ông nói.
Đều đặn suốt mấy chục năm nay, mỗi buổi tối ông đều có thói quen lên chương trình làm việc chi tiết cho ngày hôm sau. Buổi sáng, trong khoảng 20 phút từ nhà đến chỗ làm là thời gian ông làm việc qua điện thoại. Và ông là người luôn giữ nguyên tắc chỉ trả lời những cuộc điện thoại nhỡ trong ngày vào khoảng thời gian ngồi trên xe.
Một nhà quản lý không biết sắp xếp thứ tự ưu tiên cho từng công việc, hậu quả thường gặp nhất là những việc lặt vặt không cần thiết lại chiếm quá nhiều thời gian, trong khi những việc quan trọng, cần thiết thì lại không đủ thời gian để làm. Vì vậy bạn hãy bắt đầu ngay từ ngày hôm nay lập ra kế hoạch làm việc cụ thể cho mình để dành lại thời gian quý báu từ những “kẻ cắp giấu mặt” mà chính bạn là người đồng mưu đấy.

ĐỪNG NÊN NÓI GÌ KHI ĐI PHỎNG VẤN?

Người phỏng vấn đánh giá cao những ứng viên có thành tích ấn tượng. Tuy nhiên họ luôn biết cách kiểm tra tính xác thực trong lời nói của mỗi ứng viên. Bạn sẽ trả lời ra sao nếu người phỏng vấn nhận xét: “Ồ, anh được thưởng đến 12 tháng à? Bạn tôi làm tổng giám đốc cũng chỉ được thưởng 6 tháng thôi!” Vì vậy, bạn đừng nói gì vượt quá sự thật, kẻo nhà tuyển dụng “bắt thóp” thì thật “thẹn thò” phải không?
Từng lời nói, cử chỉ của bạn trong khi phỏng vấn đều được nhà tuyển dụng chú ý một cách kỹ lưỡng. Vì thế, đừng để mất điểm vì những câu nói “vu vơ” dưới đây nhé!
“Sếp cũ của tôi là một gã ngốc, tôi không thể nào ưa hắn được!”
Với câu nói này, bạn có thể chắc chắn rằng mình không có cơ hội bước vào vòng phỏng vấn tiếp theo. Nói xấu sếp cũ được xem là điều tối kỵ hàng đầu khi phỏng vấn. Nếu được hỏi “Vì sao anh/chị rời bỏ công việc hiện tại?”, chỉ nên nói rằng bạn đang tìm kiếm một môi trường mới, có nhiều cơ hội và thử thách hơn.
“Lương ư? Bao nhiêu cũng được mà!”
Dễ dãi về lương bổng sẽ khiến nhà tuyển dụng nghĩ rằng bạn thiếu kinh nghiệm và không xứng đáng được hưởng mức lương cao. Phỏng vấn là dịp để bạn chứng tỏ năng lực bản thân và thương lượng mức lương mong muốn. Bạn nên nghiên cứu kỹ mặt bằng lương của vị trí ứng tuyển để đề nghị mức lương phù hợp nhất.
“Tôi rất mong được hưởng chế độ lương bổng hậu hĩnh của quý công ty.”
Bạn cho rằng kết thúc buổi phỏng vấn với một câu nói như thế sẽ khiến nhà tuyển dụng hài lòng và nêu bật bầu nhiệt huyết được làm việc với công ty tuyển dụng. Nhưng người phỏng vấn lại nghĩ rằng bạn chỉ muốn chăm lo cho lợi ích bản thân chứ không thật sự yêu thích công việc ứng tuyển. Bạn chỉ nên nói rằng bạn thật sự mong chờ cơ hội được làm việc trong một môi trường năng động và sáng tạo.
“Năm vừa rồi, tôi được thưởng đến 12 tháng lương cơ đấy!”
Người phỏng vấn đánh giá cao những ứng viên có thành tích ấn tượng. Tuy nhiên họ luôn biết cách kiểm tra tính xác thực trong lời nói của mỗi ứng viên. Bạn sẽ trả lời ra sao nếu người phỏng vấn nhận xét: “Ồ, anh được thưởng đến 12 tháng à? Bạn tôi làm tổng giám đốc cũng chỉ được thưởng 6 tháng thôi!” Vì vậy, bạn đừng nói gì vượt quá sự thật, kẻo nhà tuyển dụng “bắt thóp” thì thật “thẹn thò” phải không?
“Mục tiêu ngắn hạn của tôi là phải thanh toán hết nợ nần để sang năm cưới vợ.”
Đó có thể đúng là mục tiêu của bạn, nhưng nhà tuyển dụng không mong đợi bạn “chia sẻ đời tư” như thế. Bạn cần đề cập đến những dự định sự nghiệp có thể mang đến những lợi ích thiết thực cho công ty ứng tuyển. Nếu nhất thời bạn không nghĩ ra được mục tiêu nghề nghiệp, hãy trình bày dự định của bạn được gắn bó lâu dài với công ty.